Đặc điểm Hội Thánh Cao Đài Chơn Lý

Tam Tiểu Thời Kỳ

Theo quan điểm của các tín đồ Cao Đài Chơn Lý, đạo Cao Đài chính là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đã trải qua đến 2 thời kỳ phổ độ là Nhứt Kỳ Phổ Độ và Nhị Kỳ Phổ Độ. Điều này giống như tất cả các Hội Thánh Cao Đài khác. Nhưng Cao Đài Chơn Lý tin rằng trong Tam Kỳ Phổ Độ có 3 thời kỳ nhỏ nữa gọi là Tam Tiểu Thời Kỳ, với những dẫn luận sau đây:

Quả Càn Khôn

Khi Đức Cao Đài giao cho ông Thái Bính Thanh là việc làm quả càn khôn có đường kính 3,3 m, ông Bính có hỏi Đức Cao Đài, Đức Cao Đài có nói ngày sau sẽ rõ. Cao Đài Chơn Lý nói 3 trước dấu phẩy là Tam Kỳ Phổ Độ, trong Tam Kỳ Độ có Tam Tiểu Thời Kỳ tức là số 3 nằm sau dấu phẩy.

Danh xưng A Ă Â của Đức Cao Đài

Ngày lập Đạo, Đức Cao Đài Tiên Ông đã xưng A Ă Â, Cao Đài Chơn Lý lấy dẫn luận bài kinh sau đây để chứng minh tiên tri cho sự chuyển đạo 2 lần từ Nhứt Tiểu Thời sang Nhị Tiểu Thời và từ Nhị Tiểu Thời sang Tam Tiểu Thời:

"Trước Thầy chỉ chữ A là mộtChữ Ă này Thầy cột Nhị KỳÂ là Tam Tiểu Đạo QuyBa về Một mối dây Đạo Trời"

Không theo Tân Luật và Pháp Chánh Truyền

Cao Đài Chơn Lý là một trong những Hội Thánh không theo Tân Luật và Pháp Chánh Truyền. Thay vào đó, Hội Thánh có Luật Bình Quân và Thập Ngũ Qui Điều.

Biểu tượng Thiên Nhãn

Năm 1930, Hội Thánh chuyển Thánh Tượng Thiên Nhãn sang thành Thánh Tượng con mắt nằm giữa trái tim. Đến năm 1938 đến nay, Hội Thánh thờ Thánh Tượng Tâm Hòa Nhãn, nghĩa là trái tim bên ngoài và Thần Nhãn nằm giữa. Thánh tượng có tất cả 72 tia hào quang. Chỉ có Cao Đài Chơn Lý mới thờ Thánh Tượng đó. Giáo hội Cao Đài Việt Nam cũng thờ dạng Thánh Tượng này nhưng cái khác là hào quang 108 tia.

Biểu tượng Thái Cực Đăng

Hội Thánh Cao Đài Chơn Lý thờ Thái Cực Đăng nằm trên 14 ngọn đèn còn lại, nghĩa là số đèn lên đến 15 ngọn chứ không phải một ngọn như các Hội Thánh Cao Đài thờ Thiên Nhãn hình con mắt trái. 15 ngọn đèn đó gọi là Thập Ngũ Linh Đăng.

Hình Thể Tòa Thánh

Tòa Thánh Định Tường, còn gọi là Tòa Thánh Cao Đài Chơn Lý, có đến 4 hình thể gồm Bát Quái Đài, Hiệp Thiên Đài, Cửu Trùng Đài và Châu Thiên Đài. Các Hội Thánh Cao Đài khác không lập Châu Thiên Đài.

Hình thể Tòa Thánh Cao Đài Chơn Lý mang hình nhân đang nằm quay về hướng nam, ứng hóa với câu "Thánh nhân nam diện, nhi thính thiên hạ". Hình nhân nằm đó là hình thể Đức Cao Đài tại thế. Tòa Thánh là Bạch Ngọc Kinh tại thế của Đức Cao Đài.

Bát quái của Cao Đài Chơn Lý là Bát Quái Hậu Thiên nằm trước Hiệp Thiên Đài.

Ngoài ra, Thánh sở của Cao Đài Chơn Lý đều có cửa giữa và lối đi chính giữa gọi là đường Huỳnh Đạo, cho nên không có chữ Khí và bàn thờ Hộ pháp như các Hội Thánh khác.

Thánh danh

Ở nhiều Hội Thánh Cao Đài, danh tự Hương gắn trước tên các vị chức sắc nữ phái, riêng Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo thêm danh tự Ngọc; Hội Thánh Cao Đài Chơn Lý chia nữ phái thành năm nhóm, gọi là năm cung, theo đó 5 danh tự tương ứng gồm Quế, Diêu, Quỳnh, Liên, Bích ứng với năm màu sắc khác nhau, được thêm vào trước tên các vị chức sắc nữ phái.

Ở Nam phái, cũng chia làm 3 phái nhỏ là Thái, Thượng, Ngọc ứng với đại diện cho Thích Giáo, Tiên Giáo và Nho Giáo. Tuy nhiên, khi tu lên đến phẩm Đầu Sư Chính Vị thì tên không lấy theo tịch đạo là Thanh nữa mà lấy Phái + Tên + Nhựt/Nguyệt/Tinh, nếu phái Thái Đầu Sư thì lấy chữ Nhựt gắng sau tên, Thượng đi với Nguyệt và Ngọc đi với Tinh.

Hiện nay Tam Thanh Đầu sư của Cao Đài Chơn Lý là Thái Long Nhựt, Thượng Chình Nguyệt và Ngọc Trực Tinh.

Chức sắc

Theo quan điểm của các tín đồ Cao Đài Chơn Lý, Thời Quân là người canh giữ và nghiên cứu tiết khí của Bát Quái Hậu Thiên để do theo cơ Đạo và Tọa Hóa.

Cao Đài Chơn Lý có Thập Bát La Hán, La Hán này là những vị trên Thượng Giới giáng hạ để phụ giúp Đức Cao Đài giáo hóa nhân sanh. Biểu hiện của La Hán là các thẻ La Hán. Có tất cả 18 vị La Hán nhưng chỉ có 17 thẻ. Thẻ Lan Hán của La Hán dược sư không có tức là thẻ vô vi. La Hán là chức sắc Hiệp Thiên Đài.

Trong số 17 thẻ La Hán ấy, hiện nay Cao Đài Chơn Lý chỉ sử dụng 15 thẻ, trừ hai thẻ Hàng Long và An Thiên của ông Lê Văn Được và ông Nguyễn Văn Ca để làm sử liệu chứ không ai dám bái mạng thẻ này. Do đó, hệ thông La Hán của Cao Đài Chơn Lý ngày nay chỉ còn 15 thẻ. Tất cả đầu sư đều là La Hán, do vậy, họ vừa mang chức sắc Châu Thiên Đài (Chức sắc trong hàng Thập Ngũ Linh Đăng) nhưng vừa là chức sắc Hiệp Thiên Đài. Trong số Tam Thanh Đầu Sư, có 2 vị bái mạng Quyền Chưởng Quản thì thánh danh của họ cũng thay đổi. Khi đó thánh danh được gọi theo tên La Hán cộng với phái mà họ mang.

Ví dụ: Ông Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài hiện nay của Cao Đài Chơn Lý là ông Lý Văn Tiên. Khi làm đầu sư, ông là Ngọc Tiên Tinh, mang phẩm La Hán Hỗn Ngươn, sau khi bái mạng Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài, ông không còn tên Ngọc Tiên Tinh nữa mà gọi thánh danh của ông là Ngọc Hỗn Ngươn.

Chức sắc Cửu Trùng Đài cũng giống như các Hội Thánh khác, đi từ Lễ Sanh lên Chánh Phối Sư.

Chức Sắc Châu Thiên Đài gọi là chức sắc Thập Ngũ Linh Đăng gồm có:

5 vị Thiên Sư gọi là Ngũ Hành Thiên Sư gồm Đông Tây Nam Bắc và Trung Thiên sư, Đạo Phục của Thiên sư hoàn toàn khác của chức sắc còn lại.

4 vị Tứ Bửu

3 vị Tam Thanh Đầu Sư

2 vị Chưởng Quản, ngày nay chỉ có Quyền Chưởng Quản

1 vị Giáo chủ là Đức Cao Đài, không ai dám gọi là Ngội Độc Nhất mà chỉ có Đức Cao Đài mới dám xưng.

Cao Đài Chơn Lý không có các chức Truyền Trạng, Hiền Tài, Thừa Sử hoặc Giáo Tông, Hộ pháp như các Hội Thánh khác, tuy nhiên tên gọi thì khác nhưng vẫn có chức đối phẩm như trên và thi hành nhiệm vụ giống như trên.

Chẳng hạn: Chưởng Quản Cửu Trùng Đài đối phẩm với Giáo Tông

Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài đối phẩm Hộ pháp.

Tu tập

Hội Thánh Cao Đài Chơn Lý cấm việc ngồi tịnh luyện mà thay vào đó tín đồ phải ngồi u minh để độ người đã chết và phổ độ người còn sống. Hội Thánh có 2 cấp là Trung ương Hội Thánh và Họ Đạo, riêng Tiểu Tòa Thánh An Thái là trường hợp đặc biệt đại diện cho Tòa Thánh tại miền Trung Việt Nam.